1. Định nghĩa
Phong cách nội thất Japandi là sự kết hợp tinh tế giữa hai phong cách: Nhật Bản (Japanese) và Bắc Âu (Scandinavian). Mang lại cảm giác thư thái, thanh lịch và ấm áp hơn so với sự đơn giản của phong cách Minimalist.
Trong khi phong cách Nhật Bản mang hơi hướng trang nhã, truyền thống từ đó để lại ấn tượng sâu sắc với nét mộc mạc, bình dị thì ngược lại phong cách Bắc Âu lại mang đến sự nhẹ nhàng và sang trọng.
Tuy nhiên, khi kết hợp lai thành phong cách Japandi thì dường như không gian nội thất đều được hướng đến sự đơn giản và tập trung hơn vào công năng.
2. Nguồn gốc lịch sử
Phong cách Japanese (Nhật Bản): Gắn liền với sự "khổ hạnh" (Asceticism) và đề cao lối sống tối giản. Ưa chuộng hình khối tự nhiên có màu sắc đậm như màu nâu gỗ hay màu đen, chất liệu mộc mạc từ dây giấy, dây cói,...
Trái lại, phong cách Scandinavian (Bắc Âu): Thì lại mang đến sự sang trọng và nhẹ nhàng hơn. Ở phong cách này, không khó để bắt gặp hình ảnh nội thất có ngoại hình đặc biệt, được trau chuốt nhiều hơn. Sử dụng nhiều màu pastel hoặc gam màu lạnh, đặc trưng khí hậu của vùng đất Châu Âu.
Phong cách Japandi sẽ mang đến một cảm xúc mãnh liệt hơn phong cách Bắc Âu thuần túy, khi mà phong cách này chính là sự kết hợp giữa ánh sáng và điểm nhấn mạnh mẽ của màu Đen.
3. Đặc điểm nổi bật
Phong cách Japandi nổi tiếng với nét bình dị, chân phương, gần gũi với thiên nhiên vẫn có phần hiện đại và tao nhã. Bởi lẽ đó nên phong cách nội thất này đã tạo nên cơn sóng đối với ngành nội thất nói chung và những người yêu thích nội thất nói riêng.
a. Nội thất
Sản phẩm nội thất phong cách Japandi mang màu gỗ sáng sẽ được phân phối với đồ nội thất có màu Đen theo tỉ lệ 7/3, nhằm tạo ra một khung cảnh bình yên mà cũng thật quyền lực và bí ẩn.
Nên lưu ý sử dụng sản phẩm nội thất có thể khác màu nhưng vẫn phải giống nhau về phong cách. Ví dụ: Thiên về phong cách Mid-Century hay chỉ thiên về phong cách Nhật Bản.
b. Màu sắc chủ đạo
Phong cách nội thất Japandi không thường sử dụng những tông màu pastel ngọt ngào mà thay vào đó là màu tông nâu gỗ và nâu đất tạo cảm giác tĩnh lặng, trưởng thành hơn.
Nên lưu ý tránh sử dụng những màu mang sắc thái dễ thương, đáng yêu như: Hồng, Cam, Bạc Hà,... vì những màu này sẽ phá vỡ chất điềm đạm, thanh lịch vốn có của phong cách Japandi.
Gam màu chính: Nâu gỗ, Nâu đất, Xám, Đen, Trắng,... hay Xanh Olive, Xanh Indigo,... để tạo sự tươi mát.
c. Hoa văn - Họa tiết
Phong cách Japandi không chú trọng quá nhiều vào hoa văn hay họa tiết trên từng sản phẩm. Mà thay vào đó sẽ là những "đường nét hữu cơ" không quá thanh mảnh gợi lên nét bình dị vốn có từ vật liệu, hạn chế những nét vuốt sắc nhọn.
Phong cách nội thất này thường dùng những đường cong, lồi lõm tự nhiên để mang đến cảm giác tuyệt đối.
d. Chất liệu
Những chất liệu như gỗ tếch, gỗ tần bì, gỗ cao su, vải bố, vải linen, tre, mấy, đất sét, dây đan,... không được xử lý quá nhiều để giữ được nét chân phương thuần túy của phong cách Japandi.
e. Ánh sáng
Việc kết hợp giữa màu Đen và ánh sáng tự nhiên sao cho hài hòa chính là điều khiến cho phong cách Japandi trở nên khác biệt so với những phong cách khác. Mang đến sự sống động hơn bao giờ hết cho nội thất trong không gian nhà.
f. Phụ kiện trang trí
Phong cách Japandi sẽ hoàn thiện hơn khi ta mang vào đó những vật trang trí mang tính biểu tượng và văn hóa của đất nước mặt trời mọc.
Ví dụ: Tranh màu lặng đơn giản, bình hoa cắm kiểu ikebana, đồ gốm có thiết kế wabi-sabi, vật dụng bằng tre nứa hay mây đan, hạt giấy,...
g. Không gian
Đất nước Nhật Bản rất coi trọng việc con người kết nối với thiên nhiên. Nên trong phong cách Japandi này, ta nên tiết chế về số lượng vật dụng mà thay vào đó sắp xếp chúng một cách gọn gàng, tạo sự thông thoáng, chừa chỗ cho những khoảng trốn để ta có thể thư giãn, thanh tịnh hơn.
Nên lựa chọn những loại vải mỏng để nắng và gió có thể len vào từng nơi trong nhà, mang đến sự sống động cho không gian. Ngoài ra, nên ưu tiên những mảng xanh như: Trồng cây, dây leo,... không cần nhiều và chọn loại có tán thưa, lá mảnh để giữ được chất nhẹ nhàng, thanh tao.
Nguồn ảnh: Sưu tầm