1. Định nghĩa
Phong cách Minimalist hay còn gọi là phong cách Tối giản / Tối thiểu, là phong cách thể hiện sự đa dạng trong kiến trúc, nội thất và nghệ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc và thị giác. Những tác phẩm mang phong cách này yêu cầu phải thiết kế sao cho tối giản nhất có thể.
2. Nguồn gốc lịch sử
Phong cách Tối giản xuất phát trong phong trào nghệ thuật phương Tây từ sau Thế chiến thứ II và phát triển mạnh mẽ nhất vào giữa những năm 1960 – 1970, thế kỷ 20.
Một trong những Kiến trúc sư đã góp phần tạo nên phong cách Minimalist và có tầm ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20 chính là ông Ludwig Mies van der Rohe (1886 – 1969). Chỉ với những nguyên tắc không gian đơn giản nhưng mang lại hiệu quả vô cùng to lớn, bằng chứng là trong suốt gần một thế kỷ và cho đến ngày nay, phong cách Tối giản của ông đã trở nên vô cùng phổ biến.
Với châm ngôn “Less is more”, phong cách này chú trọng đến các đường nét cơ bản như đường thẳng, đường vuông góc. Biến không gian trở nên tinh giản, gọn gàng nhưng không kém phần thẩm mỹ và tinh tế hơn.
3. Đặc điểm nổi bật
“Đơn giản – Gọn gàng – Tinh tế” là những từ dùng để miêu tả cụ thể phong cách Minimalist. Ở phong cách này, các KTS sẽ thiết kế sao cho cả không gian, đường nét, màu sắc và nội thất … được tinh giản ở mức cao nhất.
Một không gian mang phong cách Minimalist được kết hợp từ những mảng tường, đường thẳng và hình khối cơ bản. Từ đó tạo nên cảm giác gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ.
a. Hình dáng
Nội thất mang phong cách Tối giản tập trung vào những chức năng và tính thực dụng. Bề mặt phẳng, nhẵn và các đường thẳng khỏe khoắn, sạch sẽ nhằm nhấn mạnh công năng của từng món đồ trong không gian.
b. Màu sắc chủ đạo
Màu trắng chính là biểu tượng của phong cách Minimalist mang lại sự sạch sẽ và tinh khiết cho không gian nội thất. Tuy nhiên, khi sử dụng màu trắng nhiều sẽ dễ khiến cho không gian trở nên lạnh lẽo và trống trải. Chính vì thế mà các nhà thiết kế thường phối những chi tiết có màu xám, đen hay vàng để làm điểm nhấn cũng như giúp không gian thêm phần ấm áp.
Phong cách Tối giản sẽ không sử dụng quá 4 màu trong một không gian. Thông thường chỉ sử dụng tối đa 3 màu gồm: Một màu nền, một màu chủ đạo và một màu tạo điểm nhấn.
Gam màu thường dùng: Trắng, Đen, Xám, Kem, Be, Vàng,…
c. Hoa văn – Họa tiết
Phong cách Minimalist sẽ không tập trung quá nhiều vào hoa văn hay họa tiết để không gian không trở thành “too much”.
d. Chất liệu
Phong cách Minimalist thường sử dụng những vật liệu mang lại sự ấm áp và đơn sắc cho không gian.
- Phòng ngủ: Sử dụng giấy dán tường vải lanh, vải len mềm hay thảm trải sàn tạo thêm sự nhẹ nhàng ấm ấp.
- Phòng tắm: Sử dụng gạch, đá có hoa văn đơn giản để duy trì bảng màu trung tính.
- Phòng bếp, phòng khách: Sử dụng các vật liệu, phụ kiện bằng gỗ để làm dịu đi sự thô cứng, lạnh lẽo từ đó mang lại cảm giác ấm cúng cho ngôi nhà với những bức tường sơn trắng hay bê tông màu xám.
Ngoài ra, các loại vải dệt sẽ giúp tăng chiều sâu và thêm phần ấm cúng cho không gian.
e. Ánh sáng
Ánh sáng là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với phong cách Minimalist. Ánh sáng cần phải được tính toán cẩn thận để có thể tạo điểm nhấn cho các khu vực quan trọng trong nhà. Đồng thời tạo ra hiệu ứng đổ bóng, giúp tôn lên hình các đồ nội thất và lối kiến trúc trong không gian.
Để ánh sáng phát huy được tác dụng tối đa, các Kiến trúc sư thường sử dụng rèm cửa, bình phong lá chắn hay các tán lá cây để thêm hiệu ứng ánh sáng độc đáo cho phong cách đơn giản này.
f. Phụ kiện trang trí
Phong cách Minimalist thường không dùng nhiều đồ đạc hay phụ kiện có hoa văn cầu kỳ hay đồ trang trí có quá nhiều chi tiết. Trọng tâm của không gian mang phong cách này chính là sự đơn giản, gọn nhẹ, chú trọng nhiều vào đường nét và hình dáng.
Tuy nhiên, chúng ta có thể sử dụng những vật sau để làm phụ kiện trang trí: Trang canvas, bình hoa, đèn bàn,…
g. Không gian
Không gian phong cách Minimalist loại bỏ những chi tiết rườm rà không cần thiết và chỉ chú trọng vào những chi tiết thiết yếu: ánh sáng, hình thức, vật dụng, chất liệu bền đẹp. Song, phong cách này thường áp dụng bố cục không gian mở, tạo cảm giác tự do và thư giãn.
Ngoài ra, những yếu tố trang trí cũng bị loại bỏ, thay vào đó là một số chi tiết không phức tạp được dùng làm điểm nhấn. Đó có thể là một tác phẩm nghệ thuật duy nhất được treo trên tường khu vực tiếp khách, hoặc một bình hoa đơn giản trên bàn ăn.
Nguồn ảnh: Sưu tầm